Monthly Archives: Tháng Tám 2013

Dreamland Japan – Đi vào nhận dạng

ĐI VÀO NHẬN DẠNG

Vào năm 1995, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa bắt đầu đăng một chuyên mục về những ý kiến của ông, không phải trong một tờ báo hay tạp chí tin tức mà là trong một tạp chí manga tên Big Comic Spirits. Là một nhà chính trị, nhà tư tưởng được kính trọng đã bảy mươi lăm tuổi, chắc Miyazawa hiếm khi đọc truyện tranh,* nhưng lý do ông chọn tạp chí manga để bộc lộ cái nhìn của mình thì lại rõ ràng. Big Comic Spirits được gần 1,4 triệu công chức trẻ và cử tri tiềm năng đọc mỗi tuần. Ở Nhật Bản ngày nay, các tạp chí manga là một trong những cách hiệu quả nhất để tiếp cận một khối lượng lớn người xem và gây ảnh hưởng lên ý kiến cộng đồng.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới biến “truyện tranh” – nguyên là một dạng giải trí mang tính “hài hước” của giới trẻ là chính – thành một thứ có địa vị xã hội gần như tiểu thuyết và phim ảnh. Chắc hẳn Nhật Bản tràn ngập manga. Theo Viện Nghiên cứu Xuất bản (Research Institute for Publications), trong số các sách báo và tạp chí được bán ở Nhật Bản vào năm 1995 (nói cách khác là trừ sách báo ế ra) thì manga chiến gần 40 phần trăm trên tổng thể.

Đọc tiếp

Dreamland Japan: Writings on Modern Manga – Mở đầu

Dreamland Japan: Writings on Modern Manga
Frederik L. Schodt
Xuất bản năm 1996 

Dịch từ bản scan trên Google Books: http://books.google.com.vn/books?id=Loug6sbKTvEC&pg=PA19&source=gbs_toc_r&cad=4#v=onepage&q&f=false

Mở đầu

Ngày xửa ngày xưa, vào những ngày của năm 1983 xa xôi, tôi đã viết một cuốn sách có tựa là “Manga! Manga! The World of Japanese Comics“. Tuy không bán được nhiều lắm nhưng giờ nó được nhắc đến như một cuốn sách kinh điển; thậm chí còn có một quán trà kiểu Nhật mang tên nó ở Berkelay, California. Cố nhiên là khi nó xuất hiện lần đầu phần lớn người ta đều chưa từng nghe tới “Japanese comic”. Nhật Bản là một vùng đất của những thành công về quản lý hoặc phương pháp thiền định, hoặc của những tác phẩm nghệ thuật và thủ công đẹp đẽ. Nếu từ tiếng Nhật để chỉ truyện tranh – “manga” (đọc là “mahngha”) – gợi ra bất kỳ sự liên tưởng nào cho một bộ óc nói tiếng Anh trung bình, có lẽ đó sẽ là một sự pha trộn những hình ảnh của một loại kim loại hiếm hoặc cái gì đó một người sẽ làm ở một nhà hàng Ý.

Đã có nhiều đổi thay từ năm 1983. “Manga” và người anh em của nó, “anime” (tiếng Nhật để chỉ phim hoạt hình, đọc là “ahneemay”, đôi khi còn để chỉ “Japanimation”), đã trở thành một từ vựng vững chắc trong lòng những người hâm mộ trẻ của truyện tranh và phim hoạt hình; không có nghi ngờ gì khi theo thời gian cả hai từ này sẽ được liệt kê trong từ điển tiếng Anh chuẩn cùng với những từ tiếng Nhật du nhập khác như “hari-kari” và “karaoke”. Từ manga và anime nay đã có hiệu lực rộng rãi trong dạng được dịch, khiến những tạp chí tiếng Anh tháng viết về hai ngành công nghiệp này mọc lên như nấm, và thậm chí còn có những hội nghị của những người hâm mộ không-phải-người-Nhật được tổ chức trên khắp thế giới vài lần một năm. Và tự thân manga cũng có những thay đổi. Ngành công nghiệp đã phát triển rộng hơn, nhanh hơn, và một thế hệ hoàn toàn mới những nghệ sĩ trẻ đã tiến lên với những cách tân trong cả phong cách lẫn nội dung.

Đọc tiếp

Open The Door – Chương 10

Chap X: Rương báu của mỗi người

Trời trở lạnh đột ngột. Diễm đi học về, vừa cởi chiếc khăn quàng cổ màu đỏ vừa than vãn tại sao ông Trời không để dành cái lạnh đến tháng sau.

– Coi như tiêu công sức ngày hôm qua. – Diễm kéo áo tôi lên, liếc qua con diều được vẽ bởi những gam màu nóng.

– Tại sao? Anh Khang hẹn Miên ngày mai rồi mà.

– Trời ơi, Miên có biết là ông ấy định lôi Miên lên một cái sân thượng nào đó không? À, sân thượng ở trường ông ấy. – Diễm kéo mạnh vạt áo của tôi xuống –  Nếu bây giờ mò lên cái tầng sáu ấy thì Miên sẽ thành nước đá đó, biết chưa?! Nè, giờ ra ngoài cửa kia đứng đi, xem thử có chịu được nửa tiếng không?

Tôi định nói gì đó nhhưng lại thôi. Diễm đang cáu. Lần trước dù cô có định tát tôi đi nữa, cô cũng không để giọng mình gay gắt đến vậy. Rồi như nhận ra mình đang quá kích động, cô đẩy âm vực trở lại bình thường.

Đọc tiếp

Open The Door – Chương 9

Chương IX: Chớm đông

Mấy ngày sau khi ba Diễm đến kèm theo vụ cãi vã khuấy động cái nhà trọ vốn khá yên bình này, bà chủ nhà đến tìm chúng tôi. Bà ta đến trước giờ cơm tối, canh đúng lúc Diễm có nhà, đứng chống nạnh ngoài cửa mà nói với vẻ bực tức về cái sự ầm ĩ ấy.

 – Bác là bác không đồng ý, Diễm nhé! Mấy đứa trọ ở đây vốn ngoan, bác biết, thậm chí chúng mày có dắt trai dẫn gái về ở cùng bác cũng chẳng nói gì. Cơ mà mấy cái vụ ẩu đả xô xát ấy là không được.

– Chậc… – Diễm tặc lưỡi – Có ẩu đả gì đâu bác. Chỉ là ba cháu…

– Thế đấy, mày có nhà mà không chịu ở để ba mẹ đến tận đây tìm về. Này thôi, bác bảo thật, mày về nhà đi. Còn không thì dọn sang chỗ khác.

Đọc tiếp

Viết nhảm đêm khuya

Ảnh

Không đủ dũng cảm để nhận tình yêu từ người khác, Narcissus bèn tự yêu lấy chính mình, những tưởng đó là lựa chọn an toàn nhất. “Giờ thì không một ai có thể tổn thương ta”, chàng nghĩ.

Blog à? Lâu lắm mới lại viết.

Tính ra đã lâu lắm rồi trong lòng hầu như không có tâm sự gì, tình cảm cũng không đến mức trào dâng lai láng để mà trải lòng trên từng con chữ nữa. Muốn lục lại những entry ngày xưa viết trên Blog360 vốn đã được chuyển sang 360Yahoo nhưng nick đã bị khóa do lâu ngày quá không đăng nhập vào, cả cái blog lập bên livejournal cũng mất luôn. Thế là xong, tâm sự của những năm đầu của tuổi 20 hầu như chẳng còn gì lưu lại. Tiếc thì cũng có, nhưng chép miệng một cái rồi thôi. Bởi vậy mới nói viết nhật ký giấy vẫn hay nhất, ít ra bảo quản giữ gìn tốt thì đến lúc già vẫn còn cái để coi lại, con cái cháu chắt cũng có thể đọc ké. Kiểu người như mình vẫn thích những thứ cầm tận tay hơn là thứ gì đó chỉ có thể nhìn mà không sờ đến được. Thế tại sao vẫn viết nhật ký mạng? Dào, dù sao mình cũng là thanh niên sinh ra cuối thế kỷ 20, lớn lên ở thế kỷ 21, nếu ôm mãi một nỗi niềm hoài cổ đến mức mấy cái xu hướng thời đại cũng ngoảnh mặt không nhìn tới thì coi sao đặng.

Tính ra thời trâu trẻ mới lớn cũng còn chút ghi dấu là cái fic Open the door kia. Quả nhiên hồi còn nhỏ viết còn ngô nghê, nghĩ gì là gõ nấy, nhưng mà thích, viết một cái vèo là xong một chương, giờ chẳng còn sung sức như hồi ấy nữa. Tính ra thì em Miên thuộc dạng uke điển hình thời ấy, nhưng mà đến tận bây giờ, ví như nó đang đứng trước mặt cũng vẫn muốn kéo lại ôm một cái. Miên, có lẽ là phần yếu đuối của mình, cái phần muốn được vỗ về của mình, cái phần mà mình muốn cuộn nó vào chăn ấm rồi ru nó ngủ yên mặc cho bên ngoài mưa rơi rả rích.

Hồi ấy nhờ viết fic mà bạn quen thêm cũng nhiều, có điều đến nay cũng chẳng còn liên lạc mấy, riêng một đứa thì đã đi mãi. Có lẽ bạn fic của mình không bền bằng bạn vẽ, cảm giác tụi vẽ chúng nó vẫn có gì đó mở lòng hơn. Lãnh đạm lại còn viết ít như mình đụng trúng đám viết fic thì đúng là theo kiểu đêm xuân ngắn chẳng tày gang, tình ta qua đêm về sáng liền chấm dứt. Thôi thì duyên cũng chỉ tới đó, không thân thiết hơn có khi lại là chuyện tốt. Tuy rằng tuổi còn trẻ, lòng chưa vướng bận nhiều chuyện thì nên tranh thủ mà kết cho nhiều bạn kẻo sau này lỡ sa chân vào cái vòng quay cuồng của cuộc sống thì lại chả có được mấy ai là “bạn” nữa, nhưng mấy chuyện này mình không phải là đứa thích cưỡng cầu.

Nếu làm người muốn là có thể đứng được ở bên lề đường trông chuyện thế gian thì tốt biết mấy.

.

.

.

2:43, 15/8/2013 – còn 25 ngày nữa là tròn 26 tuổi. 26 tuổi, tôi đã không tận hưởng đủ tuổi trẻ của mình, giờ nhìn lại dường như đã muộn.